Hướng dẫn thủ tục và cách lấy mẫu giám định ADN hài cốt liệt sĩ

Thứ hai - 11/04/2022 04:04 223 0

Căn cứ vào hướng dẫn của Cục Người có công/Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Pháp y Quân đội, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tổng hợp, hướng dẫn thủ tục và cách lấy mẫu giám định ADN hài cốt liệt sĩ.

HỘI HỖ TRỢ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ

VIỆT NAM

Số: 253/HD-HTGĐLS

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2011

 

 

HƯỚNG DẪN

Thủ tục và cách lấy mẫu giám định ADN hài cốt liệt sĩ

 

Căn cứ vào hướng dẫn của Cục Người có công/Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Pháp y Quân đội, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tổng hợp, hướng dẫn thủ tục và cách lấy mẫu giám định ADN hài cốt liệt sĩ, như sau:

ATHỦ TỤC GIÁM ĐỊNH

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tiếp nhận các trường hợp giám định hài cốt liệt sĩ nếu có đủ các điều kiện:

1. Có đơn đề nghị của thân nhân liệt sĩ (thân nhân có CMT nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân phù hợp), được UBND xã (phường) xác nhận; mẫu đơn có sẵn ở Ban Chính sách Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam (có thể lấy mẫu đơn từ trang Web: www.trianlietsi.vn hoặc điện thoại đến Ban Chính sách Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam để được hướng dẫn).

2. Có giấy báo tử liệt sĩ (bản sao có chứng thực của xã, phường) hoặc trích lục thông tin về liệt sĩ do đơn vị hoặc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành cấp. Trường hợp mất giấy báo tử, thân nhân liệt sĩ có thể lên Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, thành xin sao lục lại.

3. Có vị trí ngôi mộ nghi ngờ là của liệt sĩ (Ví dụ: Số mộ 1, Hàng 2, Lô 3, Nghĩa trang liệt sĩ A… hoặc ở đồi M, thôn H, xã K, huyện X… gia đình đã liên hệ, được Ban Quản lý Nghĩa trang hoặc chính quyền địa phương đồng ý cho mượn mẫu phẩm về giám định, thể hiện bằng biên bản bàn giao cho mượn xương, cốt liệt sĩ). 

4. Nếu thông tin được xác định do đồng đội cũ hoặc bằng phương pháp ngoại cảm thì phải xác định rõ họ tên, địa chỉ của người cung cấp thông tin (có xác nhận của chính quyền xã, phường nơi người cung cấp thông tin cư trú).

5. Có mẫu đối chứng (hướng dẫn ở phần cách lấy mẫu)

B. CÁCH LẤY MẪU GÁM ĐỊNH

Lấy mẫu là khâu quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình giám định. Vì vậy cần chú ý theo một trong các yêu cầu sau:

I. Lấy mẫu hài cốt (thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới)

1) Hài cốt còn nguyên vẹn: Lấy từ 1 đến 2 chiếc răng (ưu tiên các răng còn được cố định trong xương hàm).

2) Hài cốt không nguyên vẹn: Lấy khoảng 2 x 2 cm xương ống hoặc 2 x 2 cm xương còn cứng (các xương xốp như xương sọ, xương sườn, xương bàn tay, bàn chân… rất khó làm giám định, tỷ lệ thành công không cao). 

Chú ý: Mẫu hài cốt liệt sĩ phải được bảo quản trong túi nilon có niêm phong xác nhận của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, ngoài bì ghi rõ đề nghị xác định danh tính đối với liệt sĩ (họ và tên, nguyên quán, ngày tháng năm sinh)

II. Lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ (mẫu đối chứng)

1) Đối tượng lấy mẫu sinh phẩm: Ít nhất lấy mẫu của 2 trong số những người thân có mối quan hệ huyết thống theo dòng mẹ hoặc theo dòng cha của liệt sĩ, cụ thể như sau:

Theo dòng mẹ của liệt sĩ: có thể lấy mẫu của hai trong số những người sau:

- Mẹ liệt sĩ; bà ngoại của liệt sĩ;

- Bác, cậu, dì của liệt sĩ;

- Anh chị em cùng mẹ với liệt sĩ;

- Anh em con dì, con già với liệt sĩ;

- Con của chị gái, em gái của liệt sĩ;

- Con của chị gái, em gái của con dì, con già với liệt sĩ;

Theo dòng cha của liệt sĩ: (nếu không còn các đối tượng nói trên theo dòng mẹ thì lấy mẫu của ông nội của liệt sĩ; bố đẻ của liệt sĩ).

2) Mẫu sinh phẩm của thân nhân:

- Móng tay hoặc móng chân.

- Tóc (phải lấy có cả chân tóc)

Mẫu phải bảo quản trong túi nilon đặt trong bì thư, ngoài bì ghi rõ họ tên người được lấy mẫu, tuổi, nguyên quán, trú quán và quan hệ với liệt sĩ, điện thoại liên hệ.

* Sau khi có đủ các điều kiện trên, thân nhân liệt sĩ đến văn phòng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. Hội sẽ cấp giấy giới thiệu gia đinh đưa mẫu phẩm đến Viện Công nghệ sinh học hoặc Pháp y Quân đội để giám định. Thời gian hoàn thành: từ 30 đến 90 ngày. Gia đình được hỗ trợ kinh phí một lần giám định ADN đối với mỗi liệt sĩ cần xác định danh tính.

 

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hùng Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay559
  • Tháng hiện tại11,935
  • Tổng lượt truy cập563,922
Video giới thiệu
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây